Mới đây, tuyến cao tốc đầu tiên của miền Trung, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã đưa vào khai thác toàn tuyến, có vai trò quan trọng thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm khu vực; tạo cơ hội tốt để dải đất nằm giữa hai đầu đất nước phát triển trở thành một trung tâm logistics khu vực.
Tuyến cao tốc trọng điểm phía Nam – cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây được ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM đánh giá, là công trình giao thông mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Tuyến đường giúp giảm đáng kể cự ly cũng như thời gian cho các loại phương tiện từ cảng Cát Lái đi Bà Rịa-Vũng Tàu, các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung. Đây là một phương án quy hoạch giao thông đúng đắn!
“Đòn bẩy” phát triển kinh tế – xã hội
Ngoài 4 tuyến cao tốc trên, cao tốc Nội Bài – Lào Cai, tuyến cao tốc nắm giữ nhiều “kỷ lục” nhất Việt Nam cũng do VEC đầu tư. Cao tốc Nội Bài – Lào Cai thuộc hành lang Côn Minh – Hải Phòng, tuy không nằm trong trục cao tốc Bắc Nam phía Đông, song việc đưa tuyến vào khai thác được đánh giá là bước đột phá của ngành giao thông nước nhà. Nếu so với 6,6 triệu lượt phương tiện qua lại cao tốc Nội Bài – Lào Cai trong 9 tháng đầu năm 2017, lưu lượng cùng kỳ năm nay cao hơn 12%.
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh từng khẳng định: Tuyến đường hoàn thành là niềm mong mỏi từ rất lâu đối với nhân dân trong vùng. Tuyến đường giúp các địa phương thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế và giao thương quốc tế, tạo điều kiện cho sản phẩm hàng hóa, khoáng sản các tỉnh trong khu vực tiếp cận thị trường… Còn nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đã chia sẻ, từ cuối năm 2013, dù mới chỉ thông xe đoạn tuyến từ Hà Nội đến Vĩnh Phúc, nhưng nhà đầu tư đã ùn ùn đổ về Vĩnh Phúc.
Ngày 14/3/2018, tại cuộc họp với Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong cho biết, sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, Lào Cai từ một tỉnh nghèo nhất đã trở thành một tỉnh khá, có nhiều lĩnh vực dẫn đầu. Để có được bước đột phá đó, một phần là nhờ phát triển giao thông, trong đó không thể không kể đến vai trò quan trọng của tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Đặc biệt, tuyến cao tốc đã giúp giảm 85% số vụ tai nạn trên các tỉnh lộ và 95% số vụ tai nạn dẫn đến tử vong trên các tỉnh lộ và quốc lộ lân cận đường cao tốc.
Việc mở ra các tuyến cao tốc không chỉ là “đòn bẩy” phát triển kinh tế-xã hội, mà còn góp phần tìm ra lời giải cho bài toán giao thông – một trong những yếu tố khiến nhà đầu tư nản lòng; tạo cơ hội cho các địa phương dịch chuyển cơ cấu kinh tế, phát huy tối đa tiềm năng các ngành nghề, dịch vụ…
Tính đến cuối tháng 9/2018, có 142 triệu lượt phương tiện lưu thông qua các tuyến cao tốc VEC quản lý, khai thác. Trong đó, 9 tháng đầu năm nay, đã có 30,5 triệu lượt phương tiện lựa chọn các tuyến cao tốc VEC làm lộ trình di chuyển, vượt 12% so cùng kỳ năm ngoái. Cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình vẫn là tuyến đạt số lượng phương tiện phục vụ cao nhất, với 11,4 triệu lượt. Đứng ngay sau là tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây với 11,1 triệu lượt.
Mai Hạnh
Nguồn: tienphong.vn