Dịch vụ đòi nợ thuê: Cấm hay không cấm?
Đông Hòa
(TBKTSG Online) – Hiếm có dịch vụ nào của doanh nghiệp mà ranh giới giữa hợp pháp và bất hợp pháp rất mong manh như dịch vụ đòi nợ thuê, không chỉ người dân, mà ngay cả chính quyền cũng nhìn thấy sự phức tạp của nó.
![]() |
Hình ảnh nhân viên một công ty đòi nợ thuê. Ảnh: www.sggp.org.vn |
Hồi tháng trước, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã ký văn bản kiến nghị Bộ Tài chính, cơ quan được giao quản lý chuyên ngành dịch vụ đòi nợ thuê, tham mưu Chính phủ đưa loại hình hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh. Trong trường hợp không đưa loại hình kinh doanh này vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh, thành phố kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ ban hành những quy định bắt buộc để siết chặt hoạt động này.
Kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ban hành ngày 14-6-2007 và điều kiện để được cấp phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng được Chính phủ quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong thực tế là ranh giới giữa đòi nợ thuê hợp pháp với đòi nợ thuê “có bóng dáng của giang hồ” là rất mong manh.
Thời gian qua, việc đòi nợ thuê với cái “mác hợp pháp” của những doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động nhưng có thấp thoáng “bóng dáng của giang hồ” và đã đẩy bao nhiêu con người vào vòng cùng quẫn. Có doanh nghiệp đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen như bắt bớ, đánh đập, nhục mạ, ném bom xăng, sơn, mắm tôm… vào nhà con nợ nhưng không ra mặt, câu kết với xã hội đen bắt con nợ phải ký nợ những khoản tiền tăng cả trăm lần so với khoản nợ. Họ làm phiền cha mẹ, anh chị em, thậm chí cả người thân con nợ ở nước ngoài.
Theo Văn phòng UBND TPHCM, tính đến cuối năm 2017, thành phố có 65 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ, tuy nhiên, chỉ có 44 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục và được công an cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để hoạt động. Số còn lại hoạt động “chui”.
Hiện Bộ Tài chính cũng đang xây dựng dự thảo sửa đổi các quy định về dịch vụ đòi nợ thuê theo hướng siết chặt hơn, còn trên báo chí, cộng đồng mạng, tranh cãi giữa cấm hay không cấm dịch vụ này vẫn đang tiếp diễn mà ai cũng có cái lý của mình.
Bạn đọc có thể bình luận về dịch vụ này ở ô “Mời bạn đóng góp ý kiến” bên dưới.
Nguồn: thesaigontimes.vn