Vốn điều lệ là phần bắt buộc mà cá nhân hay tổ chức nào thành lập công ty cũng cần phải kê khai. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp cần nhiều vốn hơn, hoặc thay đổi cơ cấu cổ đông, thì cần phải làm thủ tục tăng vốn điều lệ, vì khi tăng vốn tức là các mối quan hệ với ngân hàng, với chủ nợ, hoặc với các thành viên trong công ty sẽ thay đổi. Với từng loại hình doanh nghiệp lại có những quy định khác nhau về vấn đề này. Dưới đây là tư vấn của một công ty luật uy tín.
-
Tăng vốn đối với Doanh nghiệp tư nhân
Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền thực hiện thủ tục tăng vốn đầu tư của doanh nghiệp, việc tăng vốn điều lệ công ty được ghi chép đầy đủ bằng sổ sách kế toán.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiến hành thủ tục tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân tiến hành gửi Thông báo thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh đến Phòng Đăng ký Kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh/Thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
-
Tăng vốn điều lệ đối với Công ty TNHH 1 thành viên
Công ty TNHH một thành viên có thể tiến hành tăng vốn điều lệ của công ty bằng việc chủ sở hữu công ty góp thêm hoặc huy động thêm vốn góp từ người khác đồng thời quyết định hình thức và mức tăng vốn điều lệ.
Đối với trường hợp, chủ sở hữu công ty góp thêm vốn vào công ty thì doanh nghiệp gửi Thông báo đến phòng đăng ký kinh doanh thông báo về việc tăng vốn điều lệ của công ty.
Đối với trường hợp, công ty huy động thêm vốn góp từ cá nhân, tổ chức khác thì doanh nghiệp phải tiến hành chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang loại hình doanh nghiệp mới phù hợp với nội dung thay đổi. Đồng thời, gửi Hồ sơ thông báo thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh lên Phòng Đăng ký Kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh/Thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
-
Tăng vốn điều lệ đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên
Đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên, Công ty có thể tăng vốn điều lệ theo hai cách thức sau đây
-
Cách 1: Tăng vốn góp của các thành viên. Đối với trường hợp này thì vốn góp thêm được phân chia cho các thành viên theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty.. Thành viên phản đối quyết định tăng thêm vốn điều lệ có thể không góp thêm vốn, thì số vốn góp thêm của thành viên đó được chia cho các thành viên khác theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty nếu các thành viên không có thỏa thuận khác.
-
Cách 2: Tiếp nhận vốn góp của thành viên mới. Đối với trường hợp này nếu số lượng thành viên vượt quá 50 thành viên thì Công ty phải tiến hành chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang Công ty Cổ phần theo quy định. Đồng thời, gửi Hồ sơ chuyển đổi loại hình doanh nghiệp kèm theo nội dung tăng vốn điều lệ Công ty lên Cơ quan đăng ký kinh doanh.
-
Tăng vốn điều lệ đối với Công ty Hợp danh
Việc tăng vốn điều lệ Công ty hợp doanh được tiến hành theo hai cách sau đây:
-
Cách 1: Tăng vốn góp của thành viên hợp danh và thành viên góp vốn của công ty theo tỷ lệ tương ứng của họ trong công ty.
-
Cách 2: Tăng vốn điều lệ bằng cách tiếp nhận thêm thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn mới vào trong công ty.
-
Tăng vốn điều lệ của Công ty Cổ phần
Việc tăng vốn điều lệ đối với công ty cổ phần thực chất là việc chào bán cổ phần nhằm tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán các cổ phần đó trong quá trình hoạt động của công ty.
Chào bán cổ phần có thể thực hiện theo một trong các hình thức sau:
-
Cách 1: Chào bán cho các cổ đông hiện hữu là trường hợp công ty tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán toàn bộ số cổ phần đó cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ cổ phần hiện có của họ tại công ty.
-
Cách 2: Chào bán ra công chúng;
-
Cách 3: Chào bán cổ phần riêng lẻ.
Hy vọng bài viết đã giải đáp thắc mắc của bạn về vấn đề tăng vốn điều lệ. Nếu bạn có nhu cầu tìm hiểu thêm về dịch vụ thay đổi trụ sở công ty, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn.